Home BlogVăn học Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ [2 BÀI VĂN MẪU]

Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ [2 BÀI VĂN MẪU]

by Admin




Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là một trong những sáng tác nổi tiếng và tiêu biểu nhất của nhà văn Tô Hoài. Trong đó nhân vật Mị là hình ảnh đại đại diện cho sự bất hạnh và khốn cùng của người phụ nữ dân tộc Tây Bắc nói riêng dưới chế độ phong kiến miền núi. Trong bài viết hôm nay báo Song Ngữ sẽ cùng các bạn phân tích nhân vật Mị để thấu hiểu được hết vẻ đẹp và số phận của nhân vật Mị. Đồng thời qua đó nắm bắt được ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm trong bài văn này.

Hướng dẫn phân tích nhân vật Mị

Trước khi phân tích nhân vật chúng ta hãy cùng lập dàn ý cho mạch bài viết của mình nhé:

Mở bài

Giới thiệu về tác phẩm Vợ chồng A Phủ, tác giả và nhân vật Mị

Thân bài

+ Cuộc đời của Mị trước khi lấy chồng

+ Cuộc đời của Mị sau khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra

+ Khao khát tự lo và lòng ham sống trỗi dậy trong lòng Mị

+ Sự phản kháng để thoát khỏi cuộc sống khống cùng

Kết bài

Tác giả phơi bày chế độ phong kiến miền núi tàn bạo, độc ác và thể hiện sự thương cảm với kiếp người khốn khổ. Qua đó nói lên sức sống tiềm tàng mạnh mẽ và mong muốn vùng lên để giành lại tự do của những con người bị áp bức bóc lột bởi tầng lớp thống trị trong xã hội phong kiến.

Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

Thực hành phân tích nhân vật Mị

Bài làm 1

Trong nền văn học hiện đại Tô Hoài là một trong những nhà văn hiện thực với những tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội một cách chân thực và khách quan. Mỗi tác phẩm của ông là sự thương cảm và xót xa cho cuộc đời những con người khốn khổ bị áp bức bóc lột. Nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ chính là hình ảnh đại diện cho người phụ nữ vùng cao với vẻ đẹp hoàn mỹ nhưng phải sống cuộc đời bất hạnh. Trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn là khát khao được sống một cuộc đời tự do của chính mình.

Nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài khắc họa với hình ảnh một cô gái xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc có tài thổi sáo và được biết bao trai bản theo đuổi. Nhưng sống trong thời đại phong kiến hà khắc Mị không thoát khỏi câu nói “hồng nhan bạc phận”. Gia đình Mị nghèo và món nợ với nhà thống lý Pá Tra cứ kéo dài mãi cho đến đời Mị cũng không trả hết. Vì vậy một tập tục cứ thế duy trì trong xã hội cường quyền ngày xưa đó là phải chấp nhận kiếp số làm dâu trả nợ.

Cuộc đời một người con gái xinh đẹp, tài hoa như Mị xem như chấm hết khi phải chấp nhận gả cho A Sử con trai thống lý Pá Tra. Số phận người con dâu gán nợ khốn cùng phải nai lưng làm lụng quanh năm như một nô lệ chẳng khác nào “con trâu, con chó”. Nhưng cuộc đời Mị còn khốn khổ hơn , “Con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái ở cái nhà ngày thì vùi vào việc làm cả ngày lẫn đêm”. Bằng những từ ngữ rất chân thực nhà văn Tô Hoài đã diễn tả nỗi cực nhọc về thể xác của người phụ nữ vùng cao trong chế độ phong kiến hà khắc.

Không chỉ là nỗi cực nhọc về thể xác Mị còn phải chịu cả những đau đớn trong tâm hồn sống trong hoạt cảnh tù đày. Không gian sống của Mị ngày ngày là một căn buồng có một cái lỗ vuông bằng bàn tay, từ đó nhìn ra ngoài “lúc nào cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Một cuộc sống “ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” một cuộc sống không khác nào địa ngục trần gian giam hãm cuộc đời một con người.

Cứ tưởng rằng cuộc đời Mị cứ thế trôi đi và luẩn quẩn mãi trong cái phòng tối mịt không biết đến ngày mai. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn MỊ vẫn có một ngọn lửa đang âm ỉ cháy và khi mùa xuân về, tiếng sáo rủ bạn tình, tiếng sáo của mùa xuân của tuổi trẻ cứ rập rờn trong đầu bỗng chốc làm thức tỉnh khát khao được sống cuộc đời của tự do của hạnh phúc. Mị sửa soạn mặc lại quần áo, tóc tai và muốn ra ngoài để được hòa cùng không khí vui tươi của mùa xuân. Nhưng trớ trêu thay đang trong niềm vui niềm hân hoan và khát khao được hòa nhập thì Mị lại bị A Sử bắt trói vào cột nhà và hắn lại khoác thêm vòng bạc đi chơi. Lúc này đây trong Mị lại dâng trào lên một sự ham sống và nỗi lo sợ về cái chết. Một con người thờ ơ với cái chết giờ đây lại sợ hãi điều đó chó thấy Mị đã hoàn toàn sống lại cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Bước ngoặt cuộc đời Mị chính là khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói và đánh đập, bỏ đói bỗng nhiên trong lòng Mị dấy lên một cảm xúc mạnh mẽ. Căm giận nhà thống lý Pá Tra độc ác, tàn bạo, xót xa cho kiếp người nghèo khổ không quyền thế bị áp bức bóc lột. Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng Mị đã quyết định cởi trói cho A Phủ và cả 2 cùng chạy để giải thoát cho cuộc đời của mình.

Thông qua nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã giúp chúng ta biết rõ về cuộc sống khổ cực của những con người trong chế độ phong kiến hà khắc. Tuy nhiên dù phải chịu sự bóc lột đến tột cùng họ vẫm có sự khao khát mãnh liệt về tự do và sẵn sàng đứng lên để giải thoát cuộc đời của mình.

Nhân vật Mị

Bài làm 2

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm nổi tiếng với của nhà văn Tô Hoài khắc họa rõ nét về cuộc sống của những con người Tây Bắc trong thời kỳ phong kiến. Xoay quanh nhân vật Mị và cuộc đời của Mị tác giả khiến người đọc thấu hiểu được về những con người dưới chế độ hà khắc của vùng cao đặc biệt là thân phận người phụ nữ. Nhân vật Mị đã để lại rất nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc dành cho người đọc với những phẩm chất tuyệt đẹp và lòng khát khao tự do cùng ý chí phản kháng mãnh liệt.

Mị chính là đại diện cho số phần của người con gái phải chịu cảnh làm dâu gạt nợ ở miền núi. Sinh ra trong gia đình nghèo khổ, cha Mị phải vay tiền của thống lý Pá Tra mới có tiền cưới vợ và số nợ đó thì đến khi mẹ Mị chết vẫn chưa trả được hết. Cuộc đời thật trơ trêu Mị vốn là cô gái xinh đẹp và có tài thổi kèn lá khiến bao chàng trai si mê và theo đuổi. Mị đẹp như bông hoa rừng đầy hương sắc khiến “trai đến đứng nhẵn vách đầu buồng Mị”. Nhưng món nợ với nhà thống lý còn đó mà cha Mị không thể trả được và thế là Mị đành chấp nhận về làm dâu sống cuộc sống của một nô lệ.

Đã bao nhiêu lần Mị đành tự tử nhưng nghĩ đến khi mình chết đi ai sẽ trả nợ thay cha. Đây chính là sự đấu tranh mãnh liệt của người con gái không chịu chấp nhận thân phận nô lệ đồng thời cũng chính là ý chí phản kháng.

Hàng ngày Mị phải làm việc quần quật và rồi cái sự phản kháng trong Mị dần như bị thui chột. Mị ngày ngày làm việc “ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, đi cõng nước dưới khe suối. Bất kể làm gì thì “cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Mị cam chịu và sống cuộc sống lầm lũi như một con rùa trong xó cửa, Mị cũng tưởng rằng mình là con trâu, con ngựa “chỉ biết việc ăn cỏ, việc đi làm mà thôi”.

Không chỉ câm lặng chịu cuộc sống như con trâu con ngựa mà ngay cả ý niệm về thời gian không gian của Mị cũng không còn. Mị sống trong một không gian u ám, tối mịt nhìn ra ngoài qua một ô vuông và không biết ngoài kia là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng “mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.

Cuộc đời cứ vậy trôi đi và Mị cũng tưởng như mình sẽ chôn vùi trong cái bóng tối ấy cho đến lúc chết đi. Nhưng khi mùa xuân về tiếng sáo rủ bạn tình mang âm hưởng bồi hồi, tha thiết khiến tâm hồn Mị rạo rực và nhớ đến cuộc sống tự do của mình trước đây. Hơn lúc nào hết Mị muốn thoát khỏi cái cuộc sống ngục tù này và được trở về sống với những cảm xúc của một thời tươi trẻ. Và rồi Mị uống rượu “uống ừng ực từng bát”, “Lấy ống mỡ bỏ thêm vào đĩa dầu để thắp đèn lên, thắp lên thứ ánh sáng của tan đi bóng tối rợn ngợp bao trùm”, “Quấn tóc lại với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Từng hành động một chính là thể hiện cho sự trỗi dậy mãnh liệt muốn được sống cuộc sống tự do.

Song ngay khi sự phản kháng mãnh liệt nhật thì ngay lập tức đã bị vùi dập phũ phàng bởi hành động của A Sử. Hắn trói Mị vào cột nhà, “quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”. Lúc này đây Mị đã ý thức được cuộc sống nô lệ của mình và tự xót thương cho chính bản thân mình. Một lần nữa sức sống mãnh liệt bùng lên là khi Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ thể hiện cho khát vọng giải thoát bản thân và khát vọng về một cuộc sống tự do. Mị đã cùng A Phủ bỏ trốn để tự tìm cho mình một cuộc đời mới.

Tô Hoài đã sử dụng bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật cực kỳ chân thực và tinh tế để diễn tả tâm lý, tính cách của nhân vật Mị. Thông qua nhân vật này tác giả muốn lên tiếng tố cáo chế độ áp bức tàn bạo, hà khắc của tầng lớp thống trị trong xã hội xưa. Đồng thời là sự thương cảm cho những kiếp người phải chịu nhiều áp bức, bất công.

Như vậy, với những chia sẻ và 2 bài văn mẫu Phân tích nhân vật Mị, Báo Song Ngữ hy vọng sẽ mang đến cho các bạn những ý tưởng thú vị cho bài làm của mình. Chúc bạn luôn học tập tốt và nhận được nhiều điểm cao trong các bài thì và kiểm tra nhé!

XEM THÊM:

You may also like

Leave a Comment