Home BlogVăn học Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ [KÈM BÀI MẪU]

Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ [KÈM BÀI MẪU]

by Admin




Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm văn học nổi tiếng có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhân vật chính A Phủ là một nhân vật điển hình và xuất hiện khá nhiều trong các đề thi môn Ngữ Văn. Nhằm giúp các bạn học sinh cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm, tích lũy thêm nhiều tài liệu tốt và có thêm những ý tưởng mới khi viết văn. Bài viết hôm nay, Báo Song Ngữ sẽ hướng dẫn bạn cách viết bài văn Phân tích nhân vật A Phủ một cách chi tiết và đầy đủ, hãy cùng theo dõi nhé.

Hướng dẫn làm bài Phân tích nhân vật A Phủ

Để bài văn của chúng ta mạch lạc, không bỏ sót chi tiết quan trọng nào, bước đầu tiên chính là lập dàn ý cho bài viết. Bạn có thể tham khảo dàn ý mà Báo Song Ngữ chia sẻ dưới dây:

Mở bài

  • Khái quát về tác giả và tác phẩm
  • Giới thiệu nhân vật A Phủ

Thân Bài

Xuất thân của nhân vật

  • Mồ côi cha mẹ, sống cuộc sống khốn khó một mình, siêng năng, khỏe mạnh, giàu bản lĩnh
  • Người không bao giờ lùi bước trước cường quyền, bạo chúa

Những ngày tháng bị đọa đày tại nhà Thống Lý

Sau khi đánh A Sử con Thống Lý (quan làng), A Phủ nhiều trận đòn kinh người của nhà Thống Lý. Mặc dù đau nhưng anh không hề kêu van, rất mạnh bạo, cứng đầu và không chịu khuất phục.

Bị phạt oan, A Phủ trở thành người làm không công cho nhà Thống Lý, quần quật với nhiều công việc nặng nhọc.

Làm mất một con bò khi đi chăn, Thống Lý trói A Phủ ở cái cột giữa sân, định sẵn số phận sẽ phải chết, điều này khiến anh vô cùng đau đớn và tuyệt vọng. Anh Tự thương xót cho thân phận hẩm hiu và cay đắng của mình.

Khi nghe được 2 tiếng “Đi đi…” của Mị chính là lúc bản năng, niềm khao khát của bùng cháy, ảnh lấy lại tinh thần và động lực, dùng hết sức bình sinh chạy xuống sườn đồi, thoát khỏi gông cùm của quyền lực độc ác.

A Phủ không ngần ngại giúp Mị khi cô ấy đuổi theo xin đi cùng mình, cả hai cùng nhau chạy trốn rồi nên vợ thành chồng. Cho thấy sự thấu hiểu và thông cảm của A Phủ đối với cuộc đời của Mị.

Chi tiết hai vợ chồng A Phủ làm cách mạng đã cho thấy bản lĩnh và ý chí của hai người, họ là những người phi thường với khao khát tự do mãnh liệt sẽ tìm cho mình một con đường riêng biệt để giải thoát bản thân.

Kết bài

Khái quát nhân vật và nêu cảm nhận của mình.

Phân tích nhân vật A Phủ

Thực hành viết bài văn phân tích nhân vật A Phủ

Bài 1:

“Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả Tô Hoài viết về đề tài Tây Bắc. Tác phẩm ra đời vào năm 1952  và nhận được nhiều giải thưởng ý nghĩa về văn học. Câu chuyện này cũng được dựng thành phim và được đông đảo khán giả ủng hộ. Đây là tác phẩm phản ánh đậm nét nhất về cuộc sống và số phận bất hạnh của những người nông dân nghèo dưới sự áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến. Nhưng nổi bật hơn nữa là nghị lực, khát vọng sống, một lòng đi theo kháng chiến để giành lấy sự tự do, tình yêu và niềm hạnh phúc. Tiêu biểu trong đó là A Phủ – nhân vật đã trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc về sự vươn lên của mình mình. Tác giả Tô Hoài đã rất thành công khi khắc họa nhân vật  này.

Tô Hoài cho A Phủ xuất hiện trong hoàn cảnh đánh nhau với A Sử rồi bị bắt, bị đánh đập ở nhà Thống lý Pá Tra, sau đó ông mới kể về lai lịch của nhân vật A Phủ. Một cách xuất hiện khá đột ngột nhưng lại gây được ấn tượng mạnh, thể hiện nghệ thuật kể chuyện của Tô Hoài. A Phủ từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, không còn người thân thích nào, bị người làm đem bán cho người Thái ở cùng thấp.

Không cam chịu cuộc sống khốn khổ, mới 10 tuổi đầu A Phủ đã tự khẳng định tính cách gan góc, không thích ở cánh đồng thấp, trốn lên núi, lưu lạc tới Hồng Ngài. Từng ngày trôi qua, A Phủ lớn lên giữa núi rừng, trở thành một chàng trai khỏe mạnh “chạy nhanh như ngựa”, “biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc lại giỏi cày và săn bò tót rất bạo”. Anh là một “hình mẫu” được rất nhiều người con gái trong làng mê, họ kháo nhau ““Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu”. Nhưng đó chỉ là những lời nói đù bởi A Phủ rất nghèo, lại không có cha mẹ, không có ruộng nương, không có tiền, suốt đời chỉ đi làm thuê thì làm sao lấy được vợ. Vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt, A Phủ vẫn sống một đời sống tâm hồn phóng khoáng, yêu đời, yêu chính nghĩa, cho thấy sự tự tin của tuổi trẻ.

Sự cơ cực ấy đã được rèn luyện suốt bao nhiêu năm, A Phủ thành một chàng thanh niên gan dạ, dũng cảm đương đầu với số phận. Đây chính là một trong những điều tạo nên sự bứt phá về sau của cuộc đời A Phủ. Vừa xuất hiện, A Phủ đã lôi cuốn người đọc bằng những hành động mạnh mẽ, dữ dội: “chạy vụt ra”, “vung tay ném”, “xộc tới nắm” “kéo dập đầu, xé, đánh tới tấp…”. Đây là lúc anh đánh A Sử (con trai thống lý Pá Tra) để trừng trị thói con quan ỷ thế làm càn. Sau đó, anh bị người nhà thông lý bắt và đánh đập dã man đến mức “mặt A Phủ sung lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu”, “hai đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù”. Thế nhưng, dù có bị đánh đau như thế nào A Phủ vẫn chỉ im lặng, thể hiện sự gan góc, mạnh mẽ, dám làm dám chịu của mình.

Chỉ vì sự việc đánh A Sử, anh phải làm không công cho nhà thống lý Pá Tra suốt đời. Điều này phản ánh xã hội lúc bấy giờ luôn tìm cách để đẩy những người nông dân bần cùng xuống dưới đáy của xã hội mới hả hê, yên lòng. Những ngày tháng sau đó, A Phủ làm việc quần quật cả ngày “đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa…”, việc gì anh cũng làm phăng phăng mà chẳng hề tính toán thiệt hơn. Một hôm, vì mải bẫy nhím A Phủ để hổ ăn thịt mất một con bò, anh thật thà vác về nửa con bò hổ ăn dở và thản nhiên nói với thống lí “cho tôi mượn cây súng. Tôi đi lấy con hổ về”. Anh nghĩ rằng việc này rất dễ dàng, nhưng thống lý không cho, anh điềm nhiên cãi lại, anh chẳng sợ bất kỳ ai, dù là hổ hay thống lý cũng thế cả thôi.

Thế rồi A Phủ bị trói vào cọc “bằng dây sậy quấn từ chân lên vai” để chết thế mạng cho con vật bị mất. Lúc này, A Phủ ý thực được sự sống chết của mình, đôi mắt anh lộ rõ sự đau khổ và tuyệt vọng. Nhưng với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, bản chất gan góc, bất khuất, sẵn có, A Phủ không cam chịu chết mà tìm mọi cách tự giải thoát. Và với sự trợ giúp của Mị, A Phủ đã được tự do, cùng Mị thoát khỏi Hồng Ngài. Sau đó cả hai quyết định đi theo tiếng gọi của cách mạng, trở thành người công dân có ích cho đất nước.

BẰng ngòi bút tài tình và lối miêu tả tinh tế, tác giả Tô Hoài đã làm nổi bật hình tượng và khí phách của nhân vật. Cả A Phủ và Mị đều là nạn nhân của sự nghèo khổ, đều bị chà đạp bởi địa chủ giàu có lộng quyền. Nhưng dù bị áp bức họ vẫn luôn đấu tranh để giành lại sự tự do và hạnh phúc của mình.

Nhân vật A Phủ

Bài 2:

“Vợ chồng A Phủ” là kết quả của một chuyến đi thực tế tại Tây Bắc của Tô Hoài được sáng tác năm 1952. Đây là một tác phẩm hay nhất in trong tập “Truyện Tây Bắc” và đạt giải nhất của Hội văn hóa nghệ thuật 1954 – 1955. Truyện kể về cuộc đời hai nhân vật chính A Phủ và Mị, cũng chính 2 nhân vật này đã góp phần làm nổi bật giá trị của truyện cũng như mục đích của tác giả khi viết nên câu chuyện này. Trong đó, A Phủ – nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối là đại diện của những chàng trai Tây Bắc cứng cỏi, gan dạ và không sợ cường quyền, luôn khao khát được sống và cống hiến cho đất nước.

Lai lịch của A Phủ hết sức đặc biệt, có thể nói là trớ trêu vì anh là mồ côi cha mẹ từ sớm, gia đình cũng không còn ai thân thích. Năm 10 tuổi, anh bị bắt và đem bán xuống đồng thấp, sau đó anh trốn trở lại dòng cao rồi lưu lạc tới Hồng Ngài. Bản chất A Phủ từ nhỏ đã ngang bướng, dũng cảm và có một cơ thể khỏe mạnh. Anh lao động giỏi, không ngại những việc nguy hiểm, nặng nhọc, là niềm mơ ước của biết bao cô gái. Dù gia cảnh nghèo khó, nhưng là một chàng thanh niên, vào ngày tết A Phủ vẫn cùng mọi người ca hát, mơ ước tìm bạn kết đôi. Điều này cho thấy sự hồn nhiên và khao khát tình yêu, hạnh phúc trong con người A Phủ.

Thế nhưng, cuộc đời A Phủ lại rẽ sang một trang khác có thể nói là “tồi tệ” hơn khi đánh A Sử (con trai thống lý Pá Tra). Hình ảnh A Phủ đánh A Sử khiến người đọc vừa dồn dập, vừa thương cảm cho con người này “ A Phủ chạy vụt ra, vung tay ném con quay to vào mặt A Sử. A Sử vừa kịp vung tay lên, A Phủ đã xông tới, nắm cái vòng cổ dập đầu xuống, xé vai áo đánh tới tấp”.

Hành động chứng tỏ sự khỏe mạnh, không hề sợ bọn địa chủ phong kiến của A Phủ đã khiến anh bị thống lý đánh đập giã man từ trưa đến đêm. Nhà thống lý chính là hiện thân của xã hội phong kiến với sự phân biệt giai cấp nặng nề, coi thường những người nông dân thấp cổ bé họng. Chúng không coi A Phủ là con người, đánh đập không thương tiếc giống như một con vật. Đứng trước đòn roi dù đau đớn nhưng A Phủ vẫn không im lặng không nói một lời. Sự im lặng này chính là sự căm ghét, mạnh bạo, cứng đầu và không chịu khuất phục của nhân vật.

Với hành động đánh A Sử mà A Phủ trở thành nô lệ suốt đời của nhà thống lý Pá Tra. Vào lúc bấy giờ, xã hội dường như luôn tìm cách để đẩy những người nông dân bần cùng xuống dưới tầng đáy của xã hội vậy. Lúc này, người đọc sẽ thấy cuộc đời của A Phủ cũng giống như Mị, sống lay lắt héo mòn trong ngôi nhà đầy oán hận này. Dù sống hay chết cũng đều phó mặc cho những người có quyền có thể nhà thống lý, không có quyền lựa chọn hạnh phúc, tương lai cho mình. Cả đời làm trâu làm ngựa cho nhà người ta, mặc họ đánh chửi, xem mình không bằng con vật. Tác giả Tô Hoài đã nói lên một sự thật nghiệt ngã đến đau lòng khiến người đọc không khỏi xúc động.

Bi kịch này nối tiếp bi kịch khác, chỉ vì A Phủ không may để hổ bắt mất bò mà anh bị thống lý bắt trói, đánh đập hành hạ dã man. Sự đau khổ và tuyệt vọng in hằn trong đôi mắt ấy, đôi mắt ám ảnh người đọc đến tận tâm can. Cái chết hiển hiện trong tâm trí A Phủ và A Phủ ý thức rất rõ được điều này.

Sự đau khổ và tuyệt vọng in hằn trong đôi mắt ấy, đôi mắt ám ảnh người đọc đến tận tâm can. Cái chết hiển hiện trong tâm trí A Phủ và A Phủ ý thức rất rõ được điều này. Và A Phủ nhận ra mình vẫn có khát khao được sống, được tự do. Để rồi khi Mị cởi trói và nói với A Phủ “Đi đi…” đã khiến ngọn lửa trong anh bùng cháy. Có lẽ đây là đoạn văn khiến cho người đọc vừa hồi hộp, vừa xót xa vừa khâm phục. Con người ta khi bị bóc lột quá sức sẽ vùng lên đấu tranh để đi tìm con đường riêng và A Phủ – Mị thực sự đã làm được.

Qua tác phẩm, tác giả Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật A Phủ với hình tượng người lao động khao khát tự do và tình yêu cuộc sống. Từ đó càng cho thấy tài năng và niềm đồng cảm sâu sắc mà tác giả dành cho những con người lao động nghèo khổ, bất hạnh.

Như vậy, Báo Song Ngữ vừa chia sẻ đến bạn dàn ý và 2 bài mẫu cho đề bài “Phân tích nhân vật A Phủ”, hy vọng bài viết sẽ mang đến bạn những ý tưởng thú vị để bạn hoàn thiện bài làm của mình. Chúc bạn hoàn thành tốt bài thi và nhận được điểm số cao nhất.

XEM THÊM:

You may also like

Leave a Comment