Home BlogVăn học Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt [KÈM BÀI MẪU]

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt [KÈM BÀI MẪU]

by Admin




Tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân luôn là một đề tài nhận được sự quan tâm đón đọc của cả độc giả và các tác giả văn học. Trong tuyến nhân vật mà Kim Lân xây dựng, ngoài Tràng là nhân vật chính thì còn có vợ và bà cụ Tứ (mẹ của Tràng). Mặc dù xuất hiện không nhiều nhưng bà cụ Tứ đã để lại cho người độc nhiều ấn tượng đặc biệt. Ngay bây giờ, mời bạn cùng Báo Song Ngữ phân tích nhân vật bà cụ Tứ một cách chi tiết nhất.

Hướng dẫn phân tích nhân vật bà cụ Tứ

Mở bài

  • Giới thiệu về tác phẩm Vợ nhặt và nhân vật bà cụ Tứ
  • Vợ nhặt là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Kim Lân
  • Bà cụ Tứ là một trong số những nhân vật mà tác giả xây dựng, bà là hiện thân của người nghèo trong thời kỳ khó khăn, có diễn biến tâm trạng phức tạp.

Thân bài

Phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ qua các thời điểm

  • Khi Tràng dắt vợ về: Ngạc nhiên
  • Rồi lại vừa mừng vừa tủi khi nghĩ tới gia cảnh của nhà mình, xót thương cho con dâu
  • Nỗi lo của bà cụ Tứ
  • Niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống của cụ Tứ

Kết bài

  • Tác phẩm có nội dung cảm động và nhân đạo
  • Nghệ thuật đặc sắc trong diễn biến tâm trạng.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt

Thực hành phân tích nhân vật bà cụ Tứ chi tiết

Bài số 1

Nhà văn Kim Lân có một phong cách viết giản dịm rất gần gũi với đời sống của nhân dân và được nhiều người xem là nhà văn của làng quê Việt Nam. Những tác phẩm của Kim Lân luôn mang đến cho người đọc cảm giác thân quen, có thể chạm đến trái tim của từng người. Truyện ngắn “Vợ nhặt” được ông xây dựng trong bối cảnh đất nước ta đang lầm than, nhân dân cơ cực với nạn đói hoành hành. Ngoài việc khắc họa tuyến nhân vật chính, tác giả cũng đã xây dựng thành công bà cụ Tứ – một người mẹ khắc khổ nhưng luôn có một tình yêu thương với con cái, gia đình.

Cụ Tứ không xuất hiện ở đầu tác phẩm mà mãi tới khi Tràng (con trai bà cụ Tứ) dẫn vợ về thì mới xuất hiện. Cũng từ lúc này, diễn biến tâm trạng của bà được thể hiện rõ qua từng lời nói, hành động và cả suy nghĩ.

Qua ngòi bút miêu tả của Kim Lân, cụ Tứ hiện lên là một người đàn bà khắc khổ, không còn khỏe mạnh tinh anh. Một loạt từ dùng để chỉ hình dáng và cử chỉ của bà như: “lòng khòng”, “khập khiễng bước từ ngoài cổng bước vào”, “hấp háy mắt”, “lập khập bước đi”, “lễ mễ” đủ để người đọc có thể hình dung ra nhân vật.

Cụ Tứ chỉ xuất hiện trong lúc Tràng dẫn vợ về nhà nhưng lại ám ảnh người đọc, khiến họ phải suy nghĩ về tính cách, tình yêu thương, sự cảm thâm và chịu thương chịu khó hết mực của bà. Bà chính là hình ảnh đại diện cho một người mẹ tuyệt vời và vĩ đại.

Khi bà nhìn thấy một người con gái lạ xuất hiện trong nhà mình, tâm trạng của bà luôn lo lắng không yên, tự nghĩ không biết là ai. Nhưng ngay sau khi biết được sự tình thì thái độ của bà cũng khác, bà không hề xua đuổi, không hề lớn tiếng, thay vào đó là lặng lẽ. Bởi bà thương con của mình, cũng thương cho người con gái xa lạ kia, một tình thương bao la và sâu thẳm. Bà lo không biết con mình và vợ có sống nổi qua ngày hay không khi cái nghèo dẫn luôn quẩn quanh trong gia đình bà. Con lấy vợ bà vừa mừng vừa tủi vì chỉ khi gặp khó khăn đói khổ mới lấy con của mình. Đây là một sự nghiệt ngã tới đau lòng, càng nghĩ bà càng thương con, thương thêm cả người con dâu mới.

Cụ là một người hiểu chuyện, không hề than vãn câu nào mà chỉ nhẹ nhàng bảo “Vợ chồng chúng mày lo mà làm ăn, rồi trời thương. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời bao giờ đâu”. Dù khó khăn, cáu đói vẫn đeo bám nhưng bà vẫn an ủi, động viên hai vợ chồng. Đó chính là điều mà không phải người mẹ nào cũng có thể làm được, nhờ vậy mà vợ chồng Tràng cũng nhẹ nhàng hơn. Vậy mới thấy, tình người le lói giữa cảnh đời u tối thật đáng trân trọng.

Hình ảnh cụ tứ xăm xăm ngoài vườn vào ngày đầu con trai cưới vợ khiến ai ai cũng đều vỡ òa. Hình ảnh dù rất bình dị, là công việc thường ngày của mỗi người nông dân nhưng lại khiến khung cảnh u ám, ảm đạm của mấy ngày qua trở nên nhẹ nhàng, thông thống và trong lành hơn. Có thể hiểu, đây chính là sự vun vén và đắp xây của cụ Tứ dành cho hạnh phúc con trai mình. Đặc biệt là hình ảnh “nồi cháo cám” xuất hiện trong bữa cơm đầu tiên của gia đình khi có thành viên mới đã khiến người đọc không thể kìm chế được cảm xúc. Giữa thời buổi nghèo đói hoành hành, chỉ với một bát cháo đắng chát cũng có thể nhen nhóm lên tình người cao cả. Cũng giống như “bát cháo hành” trong truyện Chí Phèo thì “nồi cháo cám” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” đều là những hình ảnh neo giữ thật sâu trong tâm trí người đọc. Nụ cười niềm nở và tâm trạng vui vẻ của cụ Tứ đã phần nào lan tỏa sang cho đôi vợ chồng trẻ, làm bừng sáng lên không khí tăm tối của những ngày qua.

Bằng nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật xuất sắc và những chi tiết đời thường, Kim Lân đã xây dựng thành công hình ảnh bà cụ Tứ. Một người nông dân, một người mẹ mà ai cũng phải khâm phục và ngưỡng mộ về tình yêu dành cho con cái, một ý chí về tương lai tươi sáng.

Bà cụ Tứ

Bài số 2

“Vợ nhặt” là tác phẩm có tiền thân trong tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” của nhà văn Kim Lân viết nay sau khi cách mạng tháng 8 thành công. Truyện ngắn “Vợ nhặt” lấy bối cảnh nạn đói hoành hành ở nước ta vào năm 1945 khiến cho hơn 2 triệu người dân chết đói. Trong câu chuyện ấy, ngoài Tràng, người vợ nhặt thì nhân vật Bà cụ Tứ cũng được xây dựng rất thành công với nghệ thuật miêu tả tâm lý tinh tế. Qua hình ảnh cụ Tứ, người đọc thấy rõ được tấm lòng, đức hy sinh của một người mẹ nghèo trong thời kỳ đất nước khó khăn.

Tràng là một chàng thanh niên có ngoại hình thô kệch, tính cách tôt bụng nên được mọi người yêu mến, nhưng đã lớn tuổi vẫn chưa lấy vợ. Giữa bạn đói hoành hành khắp nơi, người chết đói nhiều vô kể thì Tràng lại “chiêu đãi” 4 cái bánh cho một cô gái mà không hề toan tính. Sau đó cô gái theo Tràng về nhà, vậy là Tràng có vợ. Việc Tràng dẫn một người phụ nữ về nhà khiến cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, ngay cả bà cụ Tứ – mẹ của Tràng cũng vô cùng sửng sốt: “Bà cụ Tứ phấp phỏng bước theo Tràng vào nhà. Đến giữa sân bà đứng sững lại, bà càng ngạc nhiên hơn. Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Sao lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục kia mà. Ai thế nhỉ?”.

Tràng vốn xấu, ế vợ lâu nay bỗng nhiên dẫn về một cô vợ giữa lúc đói kém đã khiến bà không khỏi ngạc nhiên, những câu hỏi cứ thế hiện ra trong suy nghĩ mà bà chẳng thể nào lý giải. Bà chẳng thể tin vào những gì mình đang nhìn thấy, những gì đang nghe thấy: “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà thấy mắt mình nhoè đi thì phải. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu”.

Tâm trạng của cụ Tứ từ sửng sốt, ngạc nhiên, bất ngờ vì tự nhiên lại có người con gái theo con trai mình về làm vợ, gọi mình bằng U. Sau đó lại trở nên vô cùng phức tạp, vừa mừng vừa lo, vừa thương vừa tủi khi nghe con trai giải thích. Bà mừng vì cuối cùng con trai mình cũng đã có vợ, yên bề gia thất. Nhưng bà lo cho hai con không biết liệu có qua nổi cơn đói khát hay không. Rồi với trách nhiệm là một người mẹ, bà nghĩ lại thấy tủi: ““Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái để mở mặt sau này. Còn mình thì… trong kẽ mắt kèm nhèm của bà cụ rỉ xuống 2 dòng nước mắt”. Thương con trai của mình, cụ Tứ cúi đầu im lặng, bà xót thương cho số kiếp của người con trai, rồi lại nghĩ tới chồng mình, tới con gái út rồi tới cuộc đời của bà, bà trăn trở cho vợ chồng Tràng lấy nhau giữa lúc khó khăn đói khổ như này, liệu cuộc đời có lại tiếp diễn như bố mẹ ngày trước hay không.

Sở dĩ tâm trạng của cụ Tứ như vậy cũng dễ hiểu, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thương con, hổ thẹn khi không làm tròn trách nhiệm và bổn phận đối với con cái. Tuy nhiên, trong sự buồn tủi, lo lắng đó bà người đọc lại thấy có một niềm vui, niềm tin le lói. Bà nói với các con của mình: “Vợ chồng chúng mày lo mà làm ăn, rồi trời thương. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời bao giờ đâu”. Trong bữa cơm đầu tiên của gia đình có bà, con trai và con dâu, bà luôn nói những chuyện vui sướng về sau. Bà vui trong công việc sửa sang vườn tược, quyets dọn nhà của, “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà vui vì gia đình mình vẫn có nồi “chè khoán” được nấu bằng cháo cám, trong khi nhiều nhà cũng không có để ăn. Những niềm vui nhỏ bé ấy cho thấy một tình yêu cao cả của mẹ dành cho con, người mẹ ấy cố thắp lên ngọn lửa của hy vọng để sưởi ấm lòng con, tiếp sức cho vợ chồng trẻ có thêm sự lạc quan và tin tưởng vào tương lai.

Mặc dù xuất hiện ở cuối tác phẩm trong thời gian khá ngắn nhưng nhân vật cụ Tứ đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Bằng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật, ngôn ngữ chọn lọc tinh tế, hành động phát triển phù hợp, Kim Lân đã xây dựng thành công bà cụ Tứ – đại diện cho người mẹ nông dân Việt Nam nghèo khổ nhưng giàu đức hy sinh, giàu lòng thương con. Nhân vật này tô đậm giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm, một nhân vật không thể thiếu tạo nên sự thành công của truyện ngắn “Vợ nhặt”.

Như vậy, Báo Song Ngữ đã vừa chia sẻ đến bạn phương hướng làm bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có được những ý tưởng hay và hoàn thành xuất sắc bài làm của mình, chúc bạn thành công!

XEM THÊM:

You may also like

Leave a Comment